“Trường hợp nhẹ, nạn nhân bị chém “ngọt” kéo dài 5-7 cm, sâu 1-2 cm nhưng không ít trường hợp cả bàn chân gần đứt rời”.
Trong nhiều ngày qua, chúng tôi tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều người về miếng chắn pô xe máy “chém” chân người.
Chẳng khác gì lưỡi dao sắc lẹm
Ngày 21/8, chị Nguyễn Thị Lam (Hà Nội) phải vào Bệnh
viện Hồng Ngọc trong tình trạng mất nhiều máu do pô inox của xe máy hiệu
Airblade cứa vào khi đi đường. Sau khi sơ cứu, các bác sỹ phải khâu 4
mũi cho vết thương sâu kéo dài trên mu bàn chân.
Chị Lam nhớ lại, cú va quệt với chiếc xe Airblade
trên đường Đê La Thành (Hà Nội), mép miếng chắn pô quá sắc cứa vào chân
làm máu chảy lênh láng trên đường.
“Mình trải qua rồi mình biết... nó chẳng khác gì lưỡi dao sắc lẹm đâu”, chị Lam kể lại cảm giác kinh hoàng lúc tai nạn.
Tương tự, chị Nguyễn Thanh Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) kể,
chị cũng bị miếng chắn pô xe máy chém mất cả tảng thịt. Chị Vân nhớ
lại: “Chiếc pô sắc lẹm cắt đứt ngay miếng thịt dài khoảng 7 cm. Miếng
thịt còn dính vào cái pô xe, giờ nhớ lại mình vẫn ớn lạnh”.
Thạc sĩ quản lý Nguyễn Văn Uy (Khoa Cấp cứu - Bệnh
viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết thời gian qua, BV tiếp nhận khá nhiều
nạn nhân của tấm inox chắn pô xe máy, chủ yếu của xe Honda Air Blade.
Theo BS Uy, trường hợp nhẹ nạn nhân chỉ bị vết chém
“ngọt” kéo dài 5-7 cm, sâu 1-2 cm nhưng không ít trường hợp nặng, cả bàn
chân gần đứt rời.
Trao đổi với PV, thạc sĩ Nguyễn Trung Trực, Khoa Phẫu
thuật Tạo hình, Bệnh viện Việt Đức kể lại trường hợp tai nạn do va
quyệt pô xe máy làm một bé gái gần đứt lìa bàn chân.
BS Trực kể, khi chở con đến trường, mẹ bé Mai Phương
(Gia Lâm, Hà Nội) lách qua một chiếc xe Air Blade để vào trường thì thấy
con gái hét lên. Quay lại nhìn, bà mẹ không tin vào mắt mình khi 4 ngón
chân của bé gần như bị lìa khỏi bàn chân…
Bé Phương được chuyển tới Bệnh viện Việt Đức trong
tình trạng 4 ngón chân trái bị đứt lìa hoàn toàn, chỉ còn một chút da
dưới gan bàn chân còn dính lại.
Các bác sĩ cho biết, đối với ca đứt lìa bàn chân do
chắn pô xe máy việc phẫu thuật sẽ rất khó khăn bởi vết đứt rơi đúng vào
phần khớp nên bác sĩ không thể làm ngắn xương lại để nối mạch máu đứt.
Phụ kiện “sát thủ”
Là người trực tiếp tiếp nhận và điều trị các ca tai
nạn do chấn thương tại Bệnh viện Việt Đức, thạc sĩ Điều dưỡng Nguyễn Văn
Oánh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức cũng đã kiểm nghiệm độ sắc của
miếng chắn pô xe Air Blade bằng cách sờ nhẹ vào và lập tức bị đứt tay.
Theo Điều dưỡng Oánh, miếng chắn pô xe máy nằm ngang
tầm để chân của xe máy nên người đi bên cạnh có nguy cơ tổn thương cao.
Vì vậy cách tốt nhất là không dùng miếng chắn này để tránh gây nên những
sát thương nguy hiểm cho người khác.
BS Oánh khuyên, phụ nữ ngồi sau xe không nên vắt chéo
chân một bên, sẽ “kềnh càng”, dễ xảy ra tai nạn va quệt khi xe cùng
chiều vượt lên. Bên cạnh đó, luôn giữ tốc độ vừa phải để tránh rủi ro
tai nạn.
Theo BS Oánh, cần xem lại, tại sao chỉ có xe máy hiệu
Airblade gây sát thương? Nếu do nhà lắp rắp, cần có điều chỉnh thiết kế
phương tiện tránh nguy cơ gây sát thương. Nếu người dân tự lắp thêm
miếng chắn pô, cần thay đổi loại tấm chắn theo quy định của nhà lắp ráp.
“Nếu không may gặp phải tai nạn do tấm chắn pô xe
máy, việc đầu tiên là băng vết thương cho nạn nhân. Nếu bệnh nhân bị đứt
lìa bàn chân, cần đặt túi bóng có đá lạnh bên cạnh để bảo quản rồi
nhanh chóng đưa bệnh nhân tới viện”, thạc sĩ Điều dưỡng Nguyễn Văn Oánh
cho hay.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý, bệnh nhân chỉ băng
vết thương lại, tuyệt đối không được dùng kẹp để kẹp các mạch máu vì sẽ
làm nát các đầu mạch máu, gây khó khăn khi nối.
Theo Khám phá
Tambahkan Komentar