Dân trí) - Dù rời xa quê hương đã lâu, những người con Lệ Thủy, Quảng Bình vẫn luôn dõi theo tình hình sức khỏe của Đại tướng. Nghe tin bác mất, ai nấy đều trào dâng cảm xúc nghẹn ngào, tiếc thương...
Trong số những người đến viếng thăm tại ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, có những người con Lệ Thủy đang sinh sống và làm việc ở nơi xa. Họ đã vượt hàng ngàn cây số để trở về dâng lên những nén tâm nhang với lòng thành kính sâu sắc.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa, hiện sinh sống tại Huế, nhận tin Đại tướng từ trần vào lúc 18h tối ngày 4/10. Ngay trong ngày hôm sau, bà Hòa đã bắt xe trở về quê để viếng và chia buồn với người con ưu tú của quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình. Tại nhà lưu niệm của Đại tướng, khi nhìn những bức ảnh, bức tượng của bác được trưng bày tại đây, bà Hòa vô cùng cảm động. Trong tâm tưởng của bà Hòa, Đại tướng là một vị anh hùng kiệt xuất, một nhà chỉ huy quân sự tài tình được người đời hết sức ngưỡng mộ. Đặt bút viết vào cuốn sổ lưu niệm mà nước mắt của bà Hòa cứ trào dâng trong niềm xúc động vô bờ.
Bà Hòa hết sức xúc động khi đặt bút viết vào cuốn sổ lưu niệm tại nhà Đại tướng
Ông Quang bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày được gặp bác
Bàn thờ Đại tướng
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa, hiện sinh sống tại Huế, nhận tin Đại tướng từ trần vào lúc 18h tối ngày 4/10. Ngay trong ngày hôm sau, bà Hòa đã bắt xe trở về quê để viếng và chia buồn với người con ưu tú của quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình. Tại nhà lưu niệm của Đại tướng, khi nhìn những bức ảnh, bức tượng của bác được trưng bày tại đây, bà Hòa vô cùng cảm động. Trong tâm tưởng của bà Hòa, Đại tướng là một vị anh hùng kiệt xuất, một nhà chỉ huy quân sự tài tình được người đời hết sức ngưỡng mộ. Đặt bút viết vào cuốn sổ lưu niệm mà nước mắt của bà Hòa cứ trào dâng trong niềm xúc động vô bờ.
Bà Hòa hết sức xúc động khi đặt bút viết vào cuốn sổ lưu niệm tại nhà Đại tướng
Bà Hòa cho biết, từ nhỏ bà đã rất ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài sự thông minh, tài trí, ở ông còn có sự giản dị, chân thành, một con người suốt đời lo cho dân, cho nước mà không màng đến danh lợi cá nhân. Trong những lần may mắn được gặp Đại tướng, bà biết ông là người rất gần gũi, đi đâu ông cũng ân cần thăm hỏi bà con, lối xóm, căn dặn mọi người phải sống có đạo đức, không làm những điều phi pháp. Sau này lớn lên và sinh sống xa quê nhưng bà vẫn luôn dõi theo tình hình sức khỏe của Đại tướng. Sau khi biết bác đã rời xa cuộc sống mãi mãi, bà Hòa đã khóc rất nhiều.
Trong số những người con Quảng Bình xa quê, chúng tôi có dịp trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thám (58 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Quê của bà Thám ở làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, cách nhà Đại tướng không xa. Từ nhỏ bà đã rời quê lên thành phố lao động và sinh sống. Mấy ngày qua, bà về quê giỗ mẹ thì nhận được tin từ Đại tướng từ trần. “Nhận được tin mà tôi không nghĩ đó là sự thật, mới cách đó gần 1 tháng, qua theo dõi báo chí tôi biết sức khỏe của bác vẫn ổn định. Ấy thế mà bây giờ bác đã mất thật rồi. Bác ra đi là một tổn thất lớn cho quê hương, cho dân tộc”.
Suốt chiều hôm qua, bà Thám cứ nhìn đi nhìn lại những bức ảnh của Đại tướng được trưng bày tại đây. Bà luôn cảm thấy tự hào mình là một người con của quê hương Lệ Thủy anh hùng, nơi có vị Đại tướng kỳ tài và đức độ.
Hình ảnh của vị Đại tướng cũng đã in sâu trong tâm khảm của ông Nguyễn Ngọc Quang (SN 1960). Ông Quang cũng là một người con Lệ Thủy xa quê rất ngưỡng mộ Đại tướng. Đối với ông, kỷ niệm trong những lần được gặp bác khiến ông không thể nào quên. Lần đầu tiên được gặp bác là năm 1969, lúc đó ông Quang mới 9 tuổi, nghe bác Giáp về thăm là ông liền chạy ra đường, cốt chỉ được nhìn thấy Đại tướng. Dù ông không được tiếp cận bác gần hơn do lực lượng công an bảo vệ Đại tướng quá đông, nhưng ông vẫn thấy rõ sự vui tươi của bác khi về thăm quê, thấy bác ân cần thăm hỏi các cụ già, bà lão cùng bà con nhân dân. Bác cũng giành tình cảm sâu sắc cho các cháu nhỏ, một thứ tình cảm hết sức gần gũi.
Ông Quang bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày được gặp bác
Lần thứ hai vào năm 1976, lúc đó ông đã lớn và có cách cảm thụ sâu sắc về chân dung của vị Đại tướng. Ông cứ nghĩ rằng Đại tướng là một con người nghiêm khắc, khó gần nhưng khi được chứng kiến tận mắt và được thấy những cử chỉ ân cần của người thì ông biết mình đã có suy nghĩ thiên lệch. Lần thứ 3 ông gặp bác tại Huế trong một lần bác vào đây thăm. Qua nhiều lần được nhìn thấy tận mắt, ông biết Đại tướng rất gần gũi với nhân dân, luôn ân cần thăm hỏi mọi người, căn dặn những điều rất thiết thực trong cuộc sống.
Dù đang ở quê giỗ mẹ nhưng khi biết tin bác mất từ người cháu họ thông báo, ông liền phóng xe về nhà Đại tướng để thắp hương chia buồn. Cả ngày qua ông cứ ngồi trầm ngâm, trên tay cầm chiếc điện thoại có hình ảnh của Đại tướng mà ông tình cờ chụp được, thỉnh thoảng hai dòng nước mắt của ông cứ tuôn chảy vì xúc động, nghẹn ngào.
Ông Quang nói, Đại tướng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, của người dân Quảng Bình, Lệ Thủy. Nay bác không còn nữa nhưng những gì bác đã cống hiến cho đất nước này đều được mọi người khắc ghi. Người đời sẽ vẫn nhớ đến bác là một người lãnh đạo kỳ tài, bình dị, thân thương và da diết… Bác mất đi là một tổn thất quá lớn, nỗi đau không thể nguôi ngoai. Từ đây, vùng quê Lệ Thủy, Quảng Bình không còn cơ hội được đón Đại tướng về thăm nữa, dòng sông Kiến Giang cũng không được chứng kiến bác đứng trên thuyền xem lễ hội đua, bơi nhân ngày Tết độc lập…
Đăng Đức
Tambahkan Komentar