-->

Halo !!! Saya Kang Ismet, ini adalah blog tentang AMP HTML dan cara penerapannya

Bi kịch sơn nữ lấy chồng từ thuở 13

Cứ học đến lớp 7, lớp 8 thì các thiếu nữ xã Rờ Cơi, huyện Sa Thầy (Kon Tum) lại thi nhau nghỉ học để đi... bắt chồng và xây dựng cuộc sống mới.
Chuyện kết hôn của đời người được họ xem là việc tổ tiên “truyền” cho con cháu. Thiếu nữ nào quá 16 tuổi mà vẫn chưa “bắt” được chồng thì xem như đã bị... ế!
Nghỉ học sớm để đi... “bắt” chồng

Thiếu nữ H'Lăng ở xã Rờ Cơi, nếu trong độ tuổi 13 - 16 mà không nhanh tay "bắt" cho mình tấm chồng, thì có nguy cơ bị ế. Vì những thiếu nữ quá 16 tuổi ở đây không được các chàng trai ngó tới nữa vì họ cho rằng đó là những cô gái già.

Rờ Cơi là một xã vùng biên cách trung tâm huyện Sa Thầy gần 20km với hơn 90% là người H'Lăng sống chủ yếu bằng nghề đi rừng, làm rẫy. Cuộc sống của họ hết sức đơn giản nên họ rất ít tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Vì lẽ đó, người H'Lăng luôn xem chuyện kết hôn của đời người là chuyện tổ tiên truyền cho con cháu.
Bi kịch sơn nữ lấy chồng từ thuở 13 - 1
Y Sâm bên đứa con gái 4 tháng tuổi ngại ngùng che mặt vì xấu hổ
Hôn nhân là ý riêng của mỗi người thích thì lấy, chứ không theo quy định bắt buộc của luật pháp. Vậy nên các chàng trai, sơn nữ ở đây khi đến tuổi dậy thì là họ nhanh chóng xây dựng cuộc sống vợ chồng.
Khi những thiếu nữ lập gia đình thì bắt đầu sinh con đẻ cái. Con cái của họ lớn lên lại tiếp tục lập gia đình như bố mẹ chúng. Thời gian vèo trôi, những thiếu nữ này trở thành ông thành bà chỉ ở độ tuổi 30 ngoài.

Khi con của họ sinh con thì họ vẫn còn đang trong độ tuổi rất trẻ và cũng tiếp tục sinh con. Vậy nên tuổi của con họ có đứa chỉ bằng, thậm chí nhỏ hơn tuổi cháu. Trải qua hàng chục thế hệ như thế, đến nay hủ tục này của người H'Lăng vẫn còn tồn tại rất phổ biến ở Rờ Cơi.

Chuyện những cô bé học sinh lớp 7, lớp 8 đang học, rồi nghỉ giữa chừng để bắt chồng vẫn là chuyện bình thường, hiển nhiên không có gì để phải đem ra cân nhắc.

Cách đây 2 năm, khi Y Sâm (SN 1995, làng Đắc Đê) đang còn học lớp 7, liền nghỉ học để đi bắt chồng. Chồng của Y Sâm là một chàng trai chỉ hơn vợ 1 tuổi, cũng đang còn đi học như vợ. Bây giờ, người vợ trẻ này đã lên chức mẹ của một bé gái khỏe mạnh gần 4 tháng tuổi.

15 tuổi lấy chồng, nhưng Sâm cho biết: "Mình là người lấy chồng muộn nhất trong đám bạn cùng trang lứa trong làng. Bạn bè của mình lấy chồng, mình cũng lấy chồng thôi. Những đứa bạn trong làng bằng tuổi mình đã lấy chồng hết rồi. Mình còn lấy muộn hơn bọn nó, nhiều đứa bằng tuổi mình mà nó lấy chồng trước mình 1, 2 năm".

Việc tảo hôn lâu đời ở Rờ Cơi, khiến nhiều "trẻ em" người H'Lăng phải làm cha làm mẹ rất sớm. Và họ cũng nhanh chóng lên "chức" ông bà khi tuổi đời còn trẻ.

Cha mẹ của Y Sâm là A Piủh và Y Sưn chỉ mới 48 tuổi, nhưng đã có đến 8 người con, Y Sâm là con thứ 4 trong gia đình. Các anh chị của Sâm đã lập gia đình và có con cách đây gần 10 năm, vì vậy, A Piủh và Y Sưn đã trở thành ông bà ở tuổi 38.

Anh Nguyễn Đình Thìn, Cán bộ chuyên trách dân số xã Rờ Cơi cho biết: "Tình trạng tảo hôn ở Rờ Cơi vẫn còn rất nhiều, chủ yếu là từ 14 đến 16 tuổi là đã lập gia đình. Ở đây, con trai ngoài 20 tuổi mà chưa lập gia đình là rất hiếm. Vì vậy, con gái 18 tuổi chưa lấy chồng đã là ế rồi".

Ông Him - Phó chủ tịch UBND xã Rờ Cơi cho biết: "Trước kia con gái trong vùng từ 13 - 15 tuổi là đã “bắt” chồng hết. Chẳng may sơn nữ nào cao số, trên 16 tuổi mà vẫn chưa “bắt” được chồng thì đã bị liệt vào hàng gái già, không còn chàng trai nào ngó ngàng tới nữa.

Ở đây, số người hơn 30 tuổi có cháu là rất đông, thôn nào cũng có. Ở xã, học sinh cấp 2 đang học thì nghỉ ngang để lấy chồng. Một phần do các em không muốn học nữa, các em ở đây không ham học và có học cũng không vô, nên lấy chồng sớm để làm nương làm rẫy.

"Ăn cơm trước kẻng"

Chính vì lập gia đình sớm và không biết làm gì ngoài việc nương rẫy nên các cặp vợ chồng ở đây sinh con rất nhiều. Mỗi cặp vợ chồng bình quân sinh từ 7 - 8 con.

Về vấn đề này, từ nhiều năm nay, được sự vận động, tuyên truyền của các cán bộ, ban ngành ở xã nên tình trạng tảo hôn đã có phần thuyên giảm. Số tuổi kết hôn ở các cặp trai gái đã tăng lên được một vài tuổi, các cặp vợ chồng trẻ những năm gần đây cũng sinh con ít hơn cha mẹ mình. Tuy nhiên, tỷ lệ các cô gái có thai trước khi làm lễ cưới lại xuất hiện rất nhiều.

"Ở đây, cứ đến tối là các đôi nam nữ mới học lớp 6, lớp 7, tuổi còn rất nhỏ nhưng cũng đã bắt đầu hẹn hò và dắt nhau đi chơi tình tứ rồi. Bây giờ tỷ lệ tảo hôn đã giảm so với trước đây, nhưng chuyện những cô gái có thai trước khi cưới lại xuất hiện và ngày càng nhiều hơn", anh Thìn cho biết thêm.

Vợ chồng chị Y Kít (44 tuổi) và anh A Pum (45 tuổi) làng Gia Xiêng có 8 đứa con, đứa nhỏ nhất năm nay gần 3 tuổi, nhưng từ vài năm trước họ cũng đã lên chức ông bà. Và cô con gái 17 tuổi của gia đình này cũng mới lấy chồng năm ngoái.

Nói về chuyện lập gia đình sớm của bản thân và các con của mình, anh A Pum thật thà nói: "Mình đâu có biết là vì sao mình lấy vợ sớm, con mình lấy chồng sớm mình cũng đâu có biết, đó là do trời, chứ mình đâu phải do mình, mình đâu có biết chuyện đó. Cháu mình nó mấy tuổi mình cũng không nhớ, nhưng nó lớn gần bằng đứa con út của mình đang đứng đây này".
Bi kịch sơn nữ lấy chồng từ thuở 13 - 2
Đứa con nhỏ nhất của anh Apum (45 tuổi) mới gần 3 tuổi nhưng cháu ngoại anh đã 2 tuổi
Ông A Thun trưởng thôn Đắc Đê cho biết, sở dĩ các đôi trai gái ở Rờ Cơi lập gia đình sớm là do thời xưa, các ông bà già thường đi uống rượu chung với nhau rồi hứa gả con cho nhau khi chúng đến tuổi lập gia đình.

Ngoài ra, do người dân ở đây ít tiếp xúc với cộng đồng nên họ không am hiểu về luật pháp: "Con gái đang đi học nhưng cũng bỏ học để lấy chồng, ai mà biết được. Do bố mẹ không nhắc nhở với con cái, họ không tiếp xúc với cộng đồng nên cho rằng lấy chồng càng sớm càng tốt, vì có thêm người đi làm rẫy. Con cháu nó thích nhau, muốn lấy nhau thì cha mẹ cũng kệ nó thôi, chứ vì sao nó lấy sớm thì đâu có ai biết đâu", ông Thun giải thích.

Việc kết hôn quá sớm như vậy, khiến cuộc sống của những cặp vợ chồng ở đây cũng chỉ dừng ở việc quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", thui thủi bên núi đồi. Nhưng có một điều may mắn là rất hiếm có cặp vợ chồng nào ở Rờ Cơi lại bỏ nhau, khi đã trở thành vợ chồng của nhau thì sự thủy chung được họ nâng niu nhất. Họ biết quan tâm cho nhau từ những việc rất nhỏ trong cuộc sống. Người dân ở đây chưa bao giờ biết đến khái niệm ly hôn hay ngoại tình.

"Từ trước đến nay, ở thôn Đắc Đê mới có duy nhất một cặp vợ chồng bỏ nhau vì thằng chồng nó đi về huyện Đắk Đoa, Gia Lai sống nên lấy vợ ở đó luôn", ông Thun tự hào.

Chính vì lấy nhau khi chưa đủ tuổi pháp luật cho phép, nên các cặp vợ chồng trẻ khi lấy nhau thì sẽ không được làm giấy đăng kí kết hôn, chưa được tách khẩu. Vì vậy, họ cũng mất nhiều quyền lợi từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

"Nhiều gia đình ở đây vì hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ chưa đủ tuổi kết hôn, nên mình phải tạo điều kiện giúp họ để khi đẻ con thì những đứa trẻ mới sinh được hưởng các chính sách về y tế, tạo điều kiện cho con cái khi đau ốm được đi khám bệnh.

Nhưng phải thừa nhận rằng, tập tục này khiến cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện rất chậm. Chúng tôi đang cố gắng tuyên truyền, vận động người dân sống theo nếp sống mới tuân thủ pháp luật, đủ tuổi hãy kết hôn và sinh ít con", anh cán bộ dân số tên Thìn tâm sự.
Theo Tâm Nguyễn (Người Đưa Tin)