-->

Halo !!! Saya Kang Ismet, ini adalah blog tentang AMP HTML dan cara penerapannya

Đi tìm sự thật của "thôi miên đại pháp"



Lời đồn về trò thôi miên lâu nay vẫn lan truyền khắp các tỉnh thành. Nhiều người cho rằng, ma thuật "nhiếp hồn" là có thật.
thôi miên đại pháp
thôi miên đại pháp

LTS: Thuật thôi miên không chỉ được truyền miệng mà còn từ xưa đã được nhắc đến trong sách vở với những câu chuyện kể ly kỳ. Trong những tác phẩm kiếm hiệp, thôi miên được gọi là "nhiếp hồn đại pháp" hoặc "nhiếp tâm thuật".
Tên gọi thôi miên đại ý nói về một trò ma thuật khống chế và điều khiển tri giác của người khác. Câu chuyện về trò thôi miên chiếm đoạt tiền xảy ra nhiều tỉnh thành lâu nay càng khiến không ít người hoang mang.
Để cùng bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng kỳ bí này, chúng tôi xin đăng tải loạt bài " Đi tìm sự thật của thôi miên đại pháp ".
Mới đây, vụ "thôi miên" tại sân bay Vinh (Nghệ An) xảy ra với cả một doanh nhân, người vốn có học thức, hiểu biết và địa vị xã hội. Một phụ nữ đi tìm chồng đã bị cảnh sát bắt vì nghi là "phù thủy".
Sáng 3/12, một doanh nhân tên Dũng đến sân bay thì được một phụ nữ lại gần nhờ tắt hộ điện thoại iPhone 4S vì không biết tắt. Sợ bị thôi miên, doanh nhân này liền hô hoán làm người phụ nữ hoảng quá bỏ chạy. Kết quả, chị K.T. (35 tuổi) và người bạn đi cùng tên T.H (33 tuổi), quê Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, đã bị cảnh sát bắt giữ.
Tuy nhiên, cơ quan công an đã làm rõ, sự việc không phải như vậy. Chị K.T. không định thôi miên ai cả. Chị T. có chồng buôn cây cảnh từ Vinh ra Bắc, khoảng 3 tháng nay không về. Nghi chồng có bồ nên chị lặn lội vào Vinh tìm. Ai ngờ, vừa đến Vinh, chị K.T. gặp rắc rối vì ông doanh nhân đã nghi. Chồng chị T. cũng đã có mặt để xác nhận đó là vợ mình. Không có chứng cứ phạm tội, chị K.T. và chị T.H. đã được trả tự do.
Vẫn là bí ẩn
Nhiều vụ "thôi miên" chiếm đoạt tiền (theo trình báo của nạn nhân) đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Cuối năm ngoái, câu chuyện về một vụ mất trộm đáng sợ xảy ra với bà Nguyễn Thị Uyển (51 tuổi, ở huyện Bình Lục, Hà Nam). Bà Uyển đã trình báo rằng, một buổi trưa tháng 12, trời mưa rất to, 3 thanh niên vào xin trú mưa nhờ quán nước của bà. Họ mua một số đồ nước ngọt, bánh kẹo. Bỗng nhiên, 3 thanh niên này khống chế bà, yêu cầu mở két và lấy hết vàng.
Chúng định quay đi thì bà Uyển bước theo. Bỗng một tên giơ vật gì đó sáng chói mắt làm bà Uyển mê man bất tỉnh. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, một người hàng xóm sang gọi cửa bà Uyển mới tỉnh dậy. Kiểm tra lại, bà Uyển phát hiện mất hơn 5 cây vàng (khoảng 200 triệu đồng).

Câu chuyện về trò thôi miên chiếm đoạt tiền xảy ra nhiều tỉnh thành lâu nay càng khiến không ít người hoang mang. Ảnh minh họa
Hồi tháng 7 năm ngoái, bà Nguyễn Thị Bèo (60 tuổi, ở tỉnh Thừa Thiên Huế) trình báo với công an rằng bị thôi miên đến mức đi vay tiền đưa cho kẻ trộm. Bà Bèo đang bán hàng ở chợ An Lỗ, bỗng có người đến bảo đưa nhẫn và dây chuyền vàng đang đeo. Bà Bèo không chịu đưa. Nhưng bà Bèo không hiểu vì sao, sau đó lại sang chỗ một bạn hàng, mượn 30 triệu đồng và lấy thêm 4 triệu đồng của mình đưa cho kẻ lạ.
Một loại "án thôi miên" thường được nhắc đến tại Hà Nội, thủ phạm là người nước ngoài. Một nhân viên taxi, người bán hàng, hoặc người đi đường nào đó từng trình báo rằng, bị người nước ngoài thôi miên lấy mất tiền. Thủ đoạn của những người khách không cùng ngôn ngữ là đổi tiền. Khi đổi, nạn nhân đã đếm đủ tiền, nhưng một lúc sau kiểm tra lại thì thiếu. Người nước ngoài đó là ai, hiện vẫn nằm trong vòng bí ẩn.
Tuy nhiên, nhiều vụ thôi miên rúng động dư luận hóa ra chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Vì kỳ bí nên dễ bịa đặt
Tháng 2 năm nay, một phụ nữ tên Vũ Hoàng Điệp (23 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) đến Công an quận Đống Đa trình báo mất một khối tài sản khổng lồ. Chị Điệp có một cửa hàng thời trang ở phố Xã Đàn (quận Đống Đa). Theo trình báo, chiều 18/2, một phụ nữ bước vào hỏi mua hàng. Bỗng nhiên, người phụ nữ xõa tóc làm phép làm chị Điệp mê man. Tỉnh lại, chị Điệp phát hiện mất 48 triệu đồng tiền Việt, 35.000 Euro, 1.900 USD và 2 điện thoại iPhone cùng 1 thẻ ATM. Tổng giá trị tài sản bị mất là khoảng 1,5 tỷ đồng.
Sau ít ngày điều tra, cơ quan công an đã bắt được thủ phạm là Lê Thị Hồng Thiệp (46 tuổi, quê Thái Nguyên). Nhưng con voi bỗng hóa ra con kiến. Lúc này, nạn nhân của vụ "thôi miên" mới thú nhận, chỉ mất 2 chiếc điện thoại và mấy trăm nghìn đồng. Quả thật, có một phụ nữ đã vào cửa hàng chị Điệp. Bà ta cò kè, chuyện trò khá lâu. Do mất cảnh giác nên chị Điệp bị bà ta trộm mất chiếc túi xách đựng điện thoại và tiền. Thiệp trộm được chiếc iPhone đem về tặng con gái. Khi cô con gái này lấy ra sử dụng thì cảnh sát đã lần theo dấu vết phát hiện và thu giữ.
Chị Điệp nói rằng, vẽ ra câu chuyện ly kỳ cùng khối tài sản lớn là để gây chú ý, nghiêm trọng hóa vấn đề. Mục đích của chị Điệp là cơ quan công an sẽ nhanh chóng vào cuộc tìm thủ phạm.
Theo quy đinh, chị Vũ Hoàng Điệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng cơ quan công an đã xem xét hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng nên cho làm cam kết và xử lý hành chính.
Vụ thôi miên cướp tiệm vàng ở Quảng Ngãi từng làm rúng động dư luận cả nước vào cuối năm 2011. Bà Nguyễn Thị Thúy (41 tuổi, chủ tiệm vàng Tín Huy, ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) trình báo với công an rằng, một kẻ lạ mặt đã phù phép lấy mất 100 cây vàng và hơn 1 tỷ đồng.
Bà Thúy kể, trưa 21/10, một thanh niên đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang vào tiệm. Anh ta hỏi mua 5 chỉ vàng. Bà Thúy đưa vàng và người đó đưa tiền. Rồi bà Thúy bỗng mê man, hốt khoảng 100 lượng vàng ở tủ kính bỏ vào bao, mở két sắt lấy hơn 1 tỷ đồng, đưa cho người thanh niên.
Camera của tiệm vàng cũng đã ghi lại toàn bộ sự việc đã diễn ra đúng như bà Thúy trình bày. Không hề có hành động xô xát hay chống cự ồn ào. Thậm chí, một vài người hàng xóm cúng nhìn thấy sự việc nhưng không nghĩ là bà Thúy bị "thôi miên". Mãi đến khi bà Thúy ngã ngất xỉu, hàng xóm mới chạy đến.
Sau 4 ngày, cơ quan công an đã làm rõ, kẻ cướp vàng là Ngô Quang Trưởng (22 tuổi, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, em bà con và đang làm việc cho bà Thúy). Trước đó, bà Thúy cho vay nặng lãi nhưng lại bị con nợ chạy nên thua lỗ, nợ nần. Số tiền này lại do bà Thúy vay của nhiều người khác. Biết khó có thể trả nợ, bà Thúy bàn với em họ dựng một vở kịch.
Trưởng đóng vai "phù thủy" vào tiệm vàng dùng "nhiếp hồn đại pháp" để lấy tiền. Camera bật sẵn để ghi lại làm bằng chứng với cơ quan điều tra. Cướp xong, Trưởng đem tiền và vàng giấu một nơi kín đáo. Tuy nhiên, trò ma thuật đã không qua mặt được công an.
Chỉ hơn một tháng sau, tại Đà Nẵng, một người đàn ông là Lê Trung Can (51 tuổi, ở quận Liên Chiểu) lại báo với Công an quận Liên Chiểu rằng, vừa bị "yêu tinh dùng phép thuật" lấy đi khoảng 5 cây vàng và nhiều ngoại tệ. Ông Can ở một mình, có người nhà đi nước ngoài, thường gửi tiền về cho ông sinh sống nên khá dư dả.
Ông Can kể, một buổi trưa đầu tháng 12/2011, ông đi chơi hàng xóm về thì gặp 2 phụ nữ trẻ đi xe máy đang tìm hỏi mua đất. Ông Can đã chỉ cho họ một số chỗ gần đó mà ông biết. Bỗng một cô tiến đến vỗ vào vai ông Can. Ông lập tức thấy đầu óc mụ mị, mở khóa đưa 2 phụ nữ vào nhà mình. Người đàn ông tội nghiệp đã mở ngăn dưới bệ thờ phật lấy dây chuyền, vòng vàng, mở két lấy hết tiền đưa cho 2 phụ nữ.
Tuy nhiên, khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an thấy bất thường. Ông Can bị thôi miên lấy tiền vàng nhưng 2 chiếc nhẫn vàng ở tay lại không mất. Một số đồ đạc cũng không thể hiện đúng như lời kể. Một số hàng xóm xác nhận, thời điểm ông Can mất đồ, họ không thấy ai qua lại. Họ còn cho biết, ông Can sống sung túc bằng tiền của người thân từ nước ngoài gửi về. Nhàn cư vi bất thiện, ông Can thường rượu chè, cờ bạc rồi tiêu sạch.
Cuối cùng, vở kịch của ông Lê Trung Can đã bại lộ. Ông thú nhận, cuối năm, biết người thân sắp về ăn Tết. Tiền bạc thì đã tiêu hết, khó ăn nói với người thân, đành nghĩ cách che giấu thói ăn chơi. Mấy ngày trước đó, ông nghe có vụ thôi miên cướp tiệm vàng ở Quảng Ngãi, ông Can liền tự nghĩ ra vở kịch cho riêng mình.